• Điện thoại(+84.4) 22 42 01 68 - 36 28 58 33
  • Emailcontact@davincipharma.com

Thu 25 triệu đồng/ngày từ tiền "lót tay"

    Những ngày gần đây, rộ lên thông tin nông dân bán mía phải “lót tay” từ 100-200 nghìn đồng/xe cho nhân viên Nhà máy Đường KCP huyện Sơn Hòa mới được giảm phần trăm trừ tạp chất mía.

    Những ngày gần đây, rộ lên thông tin nông dân bán mía phải “lót tay” từ 100-200 nghìn đồng/xe cho nhân viên Nhà máy Đường KCP huyện Sơn Hòa mới được giảm phần trăm trừ tạp chất mía.
     
    Nhân viên làm... cò

    Chiều 11/4, trong vai người nông dân bán mía, chúng tôi ngồi lên cabin chiếc xe BKS 58…, do tài xế L.V.T điều khiển chở mía vào Nhà máy Đường KCP Sơn Hòa (thuộc Công ty TNHH Công nghiệp Việt Nam, với 100% vốn Ấn Độ).

    Tại trạm cân mía của nhà máy, tôi hỏi một nhân viên của nhà máy: “Việc trừ tạp chất mía như thế nào?”, nhân viên này nhanh nhảu “ngã giá”: Chi 2 xị/xe (tức 200.000 đồng/xe) thì được giảm tạp chất mía từ 10 phẩy (10% sản lượng mía/xe) xuống còn 6 phẩy (6%). Nhân viên này còn nói thêm: “Nếu chi 2 xị thì trừ tạp chất mía 6 phẩy là chắc ăn; còn nếu chi 1,2 xị/xe thì… bấp bênh, có khi trừ từ 6,5- 7%!”.
    Tôi tự nhẩm tính: 1 xe 20 tấn mía nguyên liệu nếu để trừ 10% tạp chất, thì nông dân mất đứt 2 tấn mía với giá trị gần 2 triệu đồng. Còn chi 200.000 đồng, thì việc trừ tạp chất hạ thấp xuống còn khoảng 6%. Khi đó, nông dân được lợi khoảng 800.000 đồng/xe!

    Thỏa thuận xong, anh “cò” liên hệ với người lấy mẫu trực ca hôm đó và người lấy mẫu nhanh nhẹn gặp tài xế và tôi. Do là ban ngày, nên người này bảo chúng tôi ra nhà đưa tiền. Quay vào trong một lát, người lấy mẫu quay lại ghé tai nói nhỏ với tài xế: “Anh kia (tôi - PV) giống cán bộ thế? Hỏi kỹ chứ không là mệt lắm!”. Anh tài xế lắc đầu: Đó là ông chủ bán mía.

    Thu 25 triệu đồng/ngày

    Sau khi “thương lượng” với nhân viên nhà máy, chúng tôi chi 100.000 đồng cho “cò” lấy mẫu mía của nhà máy, 20.000 đồng cho nhân viên cẩu mía khỏi xe. Nhận tiền xong, “cò” này còn móc túi ra khoe: “Tôi nhận tiền giùm “ổng” (nhân viên lấy mẫu) buổi chiều nay gần 1 triệu rồi”.

    Sau khi “lót tay”, xe mía của chúng tôi chỉ trừ 6,5% tạp chất. Tài xế L.V.T cho biết: “Ngày 12/4, tôi chở chuyến mía cũng cho một chủ, nhưng do không “lót tay”, nhân viên lấy mẫu trừ đến 10,5% tạp chất, mất mấy triệu bạc thật đứt ruột!”.
    Được biết, thực trạng này đang gây bức xúc cho người dân sản xuất và bán mía cho Nhà máy Đường KCP. “Trước đây tạp chất quá 5% là lập biên bản hẳn hoi, còn nay trừ đến 10% không thấy ai nói năng gì?” - tài xế cho biết.
    Hiện Nhà máy Đường KCP đang chế biến 5.000 tấn mía nguyên liệu/ngày. Như vậy mỗi ngày cần đến 250 chuyến xe chở mía vào nhà máy (mỗi xe 20 tấn).

    Ông N.D – một nông dân ở xã Sơn Nguyên, huyện Sơn Hòa, bức xúc: “Tôi sản xuất cùng loại giống mía và ở gần ruộng của ông L.K.L, nhưng bị trừ tạp chất đến 10,5%, trong khi ông L “lót tay” cho nhân viên nhà máy thì chỉ bị trừ 5% tạp chất! Tình trạng này mới xảy ra đây thôi, vì những vụ trước, nhà máy này chỉ trừ tạp chất mía của tôi có 3-5% sản lượng mía/xe”.

    Dư luận đang đặt câu hỏi: Vì sao nhà máy trừ tạp chất mía cao bất thường so với các niên vụ mía trước đây như vậy? Việc này liệu ban giám đốc nhà máy có biết hay không? Chúng tôi điện thoại cho thư ký riêng của ông K.V.S.R Subbaiah (Tổng Giám đốc Công ty KCP Việt Nam) để đăng ký làm rõ vụ việc nói trên. Tuy nhiên, ông K.V.S.R Subbaiah bận việc và hẹn một dịp khác. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này đến bạn đọc trong thời gian tới!
     
    (Theo Dân Việt)