• Điện thoại(+84.4) 22 42 01 68 - 36 28 58 33
  • Emailcontact@davincipharma.com

Áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001 trong giải quyết thủ tục hành chính

    Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 144/2006/QĐ-TTg về áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2000 vào hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước.

    Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 144/2006/QĐ-TTg về áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2000 vào hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước. Đây là một công cụ quan trọng hỗ trợ chuẩn hóa phương pháp làm việc tại các cơ quan hành chính nhà nước nhằm hướng tới phục nhân dân ngày một tốt hơn. Bên cạnh đó, để thực hiện mục tiêu xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp hoạt động có hiệu lực, hiệu quả lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án Đơn giản hoá thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007 - 2010 (gọi tắt là Đề án 30

    Qua triển khai thực hiện thành công Đề án 30 cho thấy cải cách thủ tục hành chính có tác động tích cực đến môi trường kinh doanh, đời sống của người dân và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước khi gỡ bỏ những thủ tục hành chính không cần thiết, không hợp lý, không hợp pháp và có chi phí tuân thủ cao. Đó chính là cắt giảm chi phí và rủi ro mà người dân, doanh nghiệp và xã hội phải gánh chịu trong việc thực hiện thủ tục hành chính để tái phân bổ vào các hoạt động đầu tư, tạo việc làm góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định xã hội, nâng tầm vị thế Việt nam trong khu vực và trên thế giới.

    Thông qua các phương án đơn giản hóa, hệ thống thủ tục hành chính sẽ từng bước được hoàn thiện trên cơ sở đơn giản hóa các bộ phận cấu thành của từng thủ tục hành chính như: trình tự, cách thức thực hiện, hồ sơ, thời hạn giải quyết, đối tượng thực hiện, cơ quan thực hiện, yêu cầu, điều kiện, mẫu đơn, tờ khai. Các phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính này chính là sự phân tích đầy đủ các thông tin số liệu đầu vào, quá trình giải quyết và các văn bản có liên quan đến thủ tục hành chính. Thực tiễn rà soát thủ tục hành chính tại các bộ, ngành địa phương cho thấy, với mỗi một thành phần hồ sơ, yêu cầu, điều kiện của một thủ tục hành chính đều có sự liên hệ chặt chẽ với một bước hay một quy trình hành chính trong nội bộ cơ quan hành chính hoặc giữa các cơ quan hành chính với nhau. Vì vậy, mặc dù đã đơn giản hóa thành phần hồ sơ, yêu cầu điều kiện nhưng sẽ không thể đảm bảo đúng thời gian trả kết quả thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức khi không thay đổi quy trình giải quyết thủ tục hành chính trong mỗi cơ quan hành chính nhà nước và giữa các cơ quan hành chính  nhà nước với nhau.

    Xuất phát từ kết quả thực tiễn của Đề án 30, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 118/2009/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 144/2006/QĐ-TTg, trong đó quy định rõ các cơ quan hành chính nhà nước phải thực hiện việc xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng đối với toàn bộ hoạt động liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức ở các bộ, ngành, địa phương. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, ủy ban nhân dân các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương căn cứ vào các Quyết định công bố thủ tục hành chính tại bộ và địa phương để sửa đổi, bổ sung danh mục thủ tục hành chính áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 nhằm phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày một tốt hơn.

    Có thể nói rằng, đây là sự kết nối hoàn hảo, chặt chẽ giữa hệ thống quản lý chất lượng với kết quả của Đề án 30 nhằm xây dựng, chuẩn hóa các quy trình giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân và tổ chức đảm bảo đúng trình tự, thời gian theo quy định, tạo sự công khai, minh bạch trong công tác quản lý nhà nước.

    Mô hình khung hệ thống quản lý chất lượng bao gồm hệ thống văn bản, danh mục các thủ tục hành chính, quy trình xử lý công việc trong các cơ quan hành chính nhà nước. Trong bối cảnh kinh tế - xã hội đất nước ngày càng phát triển, việc xây dựng, áp dụng mô hình khung hệ thống quản lý chất lượng gắn với kết quả của Đề án 30 là một tất yếu khách quan nhằm đảm bảo việc thực hiện thống nhất, đồng bộ từ trung ương đến địa phương; nâng cao chất lượng phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước; tăng cường sự gắn kết, phối hợp trong thực hiện giữa các cơ quan hành chính nhà nước với nhau và ngay trong nội bộ từng cơ quan để nâng cao năng lực cạnh tranh của từng bộ, ngành, địa phương trước yêu cầu hội nhập Quốc tế sâu rộng.

    (Theo Diễn đàn doanh nghiệp)