• Điện thoại(+84.4) 22 42 01 68 - 36 28 58 33
  • Emailcontact@davincipharma.com

Các bệnh hô hấp thường gặp ở trẻ trong mùa xuân

    Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp Tết, số trẻ mắc bệnh đường hô hấp thường tăng cao. Bệnh thường phát sinh và lây truyền nhanh trong những ngày Tết vì mật độ người đông, nhất là ở những nơi vui chơi công cộng. Khi bị ốm, trẻ thường quấy khóc, ho, hắt hơi... sẽ làm bắn nước bọt, đờm dãi ra xung quanh có kèm theo vi khuẩn hoặc virut gây bệnh, trẻ khỏe hít thở phải nên bị lây nhiễm.

    Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp Tết, số trẻ mắc bệnh đường hô hấp thường tăng cao. Bệnh thường phát sinh và lây truyền nhanh trong những ngày Tết vì mật độ người đông, nhất là ở những nơi vui chơi công cộng. Khi bị ốm, trẻ thường quấy khóc, ho, hắt hơi... sẽ làm bắn nước bọt, đờm dãi ra xung quanh có kèm theo vi khuẩn hoặc virut gây bệnh, trẻ khỏe hít thở phải nên bị lây nhiễm.

    Nghe tiếng ho, đoán bệnh của trẻ

    Ở người bình thường, đường hô hấp luôn luôn được giữ gìn sạch sẽ do có những lớp lông nhỏ phủ trên lòng ống không ngừng chuyển động để đẩy các chất bẩn ra ngoài. Ho là triệu chứng chủ yếu của các bệnh đường hô hấp ở trẻ em cũng như ở người lớn. Ho có thể do nhiều nguyên nhân gây ra như viêm đường hô hấp trên, ho gà, hen, viêm phế quản, viêm phổi…

    Cấu tạo giải phẫu cơ quan hô hấp.

    Ðể tìm nguyên nhân các bệnh gây ho, các bậc cha mẹ cần xem trẻ ho nhiều vào lúc nào? Tiếng ho vang hay khàn khàn? Kèm với ho, trẻ có sốt không, có chảy nước mũi không, có khó thở không?... Cần phân biệt nhiều chứng ho khác nhau: Ho cấp tính thường kèm theo sốt ở trẻ em bị viêm đường hô hấp trên. Ho không kèm theo sốt có thể do dị ứng như hen; trẻ thường ho khan và ho từng cơn.

    Ho về đêm ở trẻ sơ sinh do các chất nhầy tích tụ làm tắc các đường dẫn khí; Để trẻ khỏi ho, chỉ cần nâng trẻ dậy và bế theo chiều đứng để các chất nhầy tích tụ trong các đường dẫn khí chảy thoát đi. Ho tiếng ông ổng kèm theo giọng nói khàn có thể do viêm thanh quản. Ho từng cơn dài có thể là ho gà. Nếu đột ngột thấy trẻ ho sặc sụa, không bị sốt nhưng khó thở, mặt tái đi thì có thể do trẻ đã bị một dị vật vào đường hô hấp.

    Các bệnh hô hấp thường gặp

    Viêm đường hô hấp trên(viêm mũi họng cấp) là bệnh phổ biến nhất ở trẻ em trong mùa xuân. Trẻ thường ho kèm theo chảy nước mũi, có thể kèm theo sốt nhưng không khó thở.

    Cách xử lý: Ho là một phản ứng của cơ thể để tống các chất lạ hoặc chất nhầy tiết nhiều quá ra khỏi các ống dẫn khí. Bởi vậy, ho là một phản ứng bảo vệ cần thiết của cơ thể nên nhiều khi không nên tìm cách ngăn cản triệu chứng ho.

    Một số thuốc an thần, giảm ho có khi lại có hại, làm cho trẻ khó thở. Nên cho trẻ dùng các loại thuốc có tác dụng làm loãng cả chất nhầy để dễ tống chúng ra ngoài (nhỏ mũi bằng natriclorua 0,9%). Chỉ khi trẻ ho khan nhiều quá, bị mất sức vì ho ban đêm thì mới cho uống thuốc ho và an thần (như theralene…) để làm dịu cơn ho như trong trường hợp bị ho gà.

    Bệnh ho gà:Nhờ tiêm phòng vaccin nên ngày nay ít trẻ bị bệnh ho gà. Tuy nhiên, nếu trẻ không được tiêm chủng đầy đủ thì ho gà vẫn là một bệnh nguy hiểm. Triệu chứng bao gồm: sốt nhẹ, ho từng cơn. Mỗi cơn ho làm trẻ đỏ mặt, chảy nước mắt. Sau cơn ho, trẻ hít thở từng hơi dài nên nghe có những tiếng rít. Ðôi khi miệng trẻ có nhiều đờm dãi dính không nhổ ra được. Mỗi ngày trẻ có thể ho vài chục cơn, số cơn càng nhiều thì bệnh càng nặng. Ho kéo dài từ 2 - 3 tuần rồi giảm dần. Nếu trẻ vừa ho vừa sốt thì có thể trẻ bị viêm phế quản phổi kèm theo.
    Viêm amidan hốc mủ.

    Ngoài thuốc kháng sinh, nên dùng thuốc an thần để giúp trẻ đỡ ho và ngủ được. Vì những cơn ho tới bất thường nên phải thay đổi cách ăn của trẻ. Lúc nào trẻ ngớt cơn ho thì tranh thủ cho ăn ngay, không kể giờ giấc. Ðối với trẻ nhỏ dưới 1 tuổi, ho gà có thể biểu hiện bằng cơn ngừng thở, tím tái, nếu không xử trí kịp thời có thể dẫn tới tử vong. Vì vậy, phải cho trẻ nằm bệnh viện để được săn sóc, theo dõi. Nếu trẻ đã đi nhà trẻ hay tới trường mà bị ho gà, cần phải để trẻ nghỉ ở nhà 1 tháng kể từ khi trẻ bị cơn ho đầu tiên. Việc cách ly trẻ bị bệnh với anh, chị em trong nhà cũng rất cần thiết.

    Bệnh hen:Đây là một bệnh có liên quan tới các phế quản và biểu hiện từng cơn do các phế quản co thắt lại làm cho trẻ không thở ra được. Nguyên nhân có thể do dị ứng với bụi, phấn hoa, lông súc vật, một số vi sinh vật… Cơn hen cũng thường gặp trong dịp Tết vì thời tiết lạnh là yếu tố thuận lợi làm khởi phát cơn. Hen là một bệnh có tính chất gia đình: ông, bà, cha, mẹ, họ hàng có người hen thì các con cháu sau cũng dễ mắc bệnh. Cơn hen nặng hay nhẹ tùy ở từng trẻ.
    Trong cơn hen nặng, trẻ thường phải ngồi, mặt tím tái, vã mồ hôi, hít thở khó khăn với những tiếng rít đặc trưng của bệnh. Các thuốc chữa hen (salbutamon,ventolin…) có tác dụng chủ yếu làm giãn phế quản để cho cơn hen dịu đi. Nếu cơn hen vẫn tiếp diễn thì cần phải cho trẻ vào bệnh viện. Hen là một bệnh phải chữa trị lâu dài. Các cơn hen không giống nhau, có thể một năm xảy ra đôi lần, nhưng cũng có thể xảy ra nhiều lần trong một tháng, ảnh hưởng tới việc học hành và cuộc sống của trẻ. Tâm lý bi quan của trẻ bị bệnh cũng như sự lo âu của các bậc cha mẹ có ảnh hưởng xấu tới tinh thần và làm bệnh nặng thêm. Việc động viên, khuyến khích, an ủi trẻ là rất cần thiết.

    Viêm phế quản:Là bệnh hay gặp ở trẻ lớn trên 5 tuổi. Trẻ thường có các triệu chứng như sốt, ho nhưng không thở nhanh hoặc co rút lồng ngực nếu được chữa trị sớm bằng một thuốc kháng sinh. Thường thì bệnh khỏi trong vòng vài ngày nhưng cũng có khi kéo dài tới 1-2 tuần, nhất là với các cháu chưa biết cách khạc đờm.

    Viêm phổi:Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Trẻ bị viêm phổi thường có các triệu chứng như: sốt cao, ho, thở nhanh, trường hợp nặng, cánh mũi trẻ phập phồng hoặc co rút lồng ngực. Cần phải đưa trẻ tới cơ sở y tế khám và chữa trị  kịp thời bằng thuốc kháng sinh, trẻ sẽ nhanh khỏi. 
     

    Biện pháp chung phòng bệnhhô hấp cho trẻ

    Những ngày lạnh, không nên cho trẻ nhỏ đi chơi xa, đi tàu xe dài ngày. Các bậc cha mẹ cần nuôi dưỡng, bảo vệ và chăm sóc trẻ chu đáo. Đảm bảo chế độ ăn uống vệ sinh, cho trẻ mặc đủ ấm. Khi trẻ mắc bệnh, phải điều trị kịp thời, dùng thuốc đủ liều lượng theo sự hướng dẫn của thầy thuốc.
    Trong tủ thuốc gia đình nên có sẵn nhiệt kế, thuốc hạ sốt, dung dịch nhỏ mũi, mắt, gói oresol... để dùng khi cần thiết.Ngoài chăm sóc ăn uống và phòng chống lạnh, tránh gió lùa, có thể nhỏ mũi cho trẻ bằng dung dịch sunfarin hoặc natriclorid 0,9%, khôngcho trẻ ốm đi nhà trẻ, mẫu giáo để tránh lây lan cho trẻ khác.

    (Theo PGS.TS.BS.Nguyễn Ngọc Sáng // Suckhoe & Doi song)