Quản giá sữa ngay từ cửa khẩu
Vốn là một trong những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, nên sữa nhập khẩu đã từng được tạo điều kiện thông thoáng trong thông quan. Nhưng nay, việc quản lý đối với mặt hàng sữa nhập khẩu được siết chặt hơn với việc hải quan sẽ thực hiện kiểm tra giá ngay từ khâu thông quan ở các cửa khẩu.
Câu chuyện về tăng giá sữa, đặc biệt là các loại sữa ngoại, lâu nay đã khiến các nhà quản lý đau đầu và người tiêu dùng chóng mặt. |
Vốn là một trong những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, nên sữa nhập khẩu đã từng được tạo điều kiện thông thoáng trong thông quan. Nhưng nay, việc quản lý đối với mặt hàng sữa nhập khẩu được siết chặt hơn với việc hải quan sẽ thực hiện kiểm tra giá ngay từ khâu thông quan ở các cửa khẩu.
Việc siết chặt này, theo cơ quan hải quan, được coi là biện pháp hữu hiệu để phát hiện kịp thời những hành vi vi phạm, gian lận trong khai báo giá sữa nhập khẩu, góp phần bình ổn thị trường sữa trong nước và tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho doanh nghiệp.
Quy định trên được đưa ra trong bối cảnh ngay từ đầu quý 1 năm nay, sữa ngoại nhập khẩu lại tiếp tục bước vào cuộc đua tăng giá, khi mà nhiều nhà nhập khẩu tiếp tục nâng giá bán lên từ 5-7% so với cuối năm 2011.
Cụ thể, ngày 13/2, Công ty FrielsandCampina tăng giá 5% ở một số sản phẩm sữa nước và sữa đặc có đường. Ngày 20/2, Công ty TNHH Nestle Việt Nam được chấp thuận cho tăng giá 12% đối với sản phẩm sữa NAN HA NWHB019-4 12x400g. Tiếp đó, ngày 21/2, 16 mặt hàng sữa bột mang nhãn hiệu Dumex bán ra tại các đại lý trên toàn quốc cũng đều tăng thêm 10%.
Thống kê từ Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết, thêm một số doanh nghiệp đăng ký tăng giá đối với mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi trong thời gian này như: Công ty TNHH dược phẩm 3A đăng ký tăng giá với tỷ lệ từ 12 – 18% từ ngày 1/3...
Câu chuyện về tăng giá sữa, đặc biệt là các loại sữa ngoại, lâu nay đã khiến các nhà quản lý đau đầu và người tiêu dùng chóng mặt. Theo thống kê, thông thường mỗi đợt điều chỉnh, tỷ lệ điều chỉnh của các mặt hàng sữa ngoại luôn lớn hơn các mặt hàng sữa nội từ 5% trở lên.
Lý do thường được các nhà nhập khẩu giải thích là bởi chi phí đầu vào tăng cao, giá nguyên liệu tăng cao và một trong số những nguyên nhân quan trọng khác được liệt kê là bởi thuế nhập khẩu tăng.
Đại diện của Nestle Việt Nam, ngày 28/3 cho rằng: “thuế nhập khẩu đợt vừa rồi tăng từ 5-10%, tiếp đó thuế giá trị gia tăng lại tăng thêm 10% trên số 10% đã tăng từ trước, nên Nestle Việt Nam buộc phải điều chỉnh giá sản phẩm tăng để bù lỗ”.
Tuy nhiên, trên thực tế, các nhà nhập khẩu sữa có lỗ đúng như những lời than thở, lý giải đó hay không, hay chỉ là tìm cớ để đẩy giá thì lại là một câu chuyện dài. Giá nguyên liệu đầu vào cụ thể tăng bao nhiêu? Mức tăng, nếu có, có tương xứng với mức điều chỉnh giá bán hay không? Và những giải trình của doanh nghiệp có đúng hay không... lại là điều khá mập mờ đối với người tiêu dùng.
Trong những năm gần đây, Bộ Tài chính cũng như các cơ quan chức năng liên quan đã nỗ lực tìm kiếm nhiều giải pháp để bình ổn thị trường sữa trong nước, đặc biệt là bình ổn giá các mặt hàng sữa ngoại nhập khẩu. Tuy nhiên, việc quản lý đối với mặt hàng này trong thời gian qua, theo nhiều chuyên gia, chưa chặn được từ gốc rễ vấn đề.
Ông Lưu Mạnh Tưởng, Cục phó Cục Thuế xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan cho rằng: sữa là một trong số những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, do vậy, trước kia, ở một góc độ nào đó, thuế suất áp dụng đối với sữa nhập khẩu là không cao. Mặt hàng sữa cũng được đặt nằm ngoài danh mục quản lý rủi ro của hải quan.
Do vậy, để tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, thương mại của các doanh nghiệp, dựa trên khai báo tự nguyện của các nhà nhập khẩu, hải quan tiến hành thông quan trước, kiểm tra sau. Đây cũng là một trong những nguyên nhân mà theo ông Tưởng, khiến cho cơ quan hải quan rất khó phát hiện gian lận bởi việc tìm được những dấu hiệu gian lận sau một thời gian dài là rất khó.
Đại diện Cục Thuế xuất nhập khẩu cho biết, gần như từ trước tới nay cơ quan hải quan chưa phát hiện ra vụ việc gian lận nào liên quan tới vấn đề này. Việc doanh nghiệp có khả năng kê khống giá nhập để tăng giá bán là điều rất dễ xảy ra.
Để quản từ gốc rễ vấn đề, tránh thất thu thuế, đồng thời phát hiện sớm gian lận của các doanh nghiệp nhập khẩu sữa, ngày 23/2/2012, Bộ Tài chính đã có Thông báo 127/TT-BTC về việc quản lý, bình ổn giá sữa tại thị trường trong nước. Trong đó, một trong những biện pháp quan trọng được cơ quan này đưa ra là quản lý giá sữa ngay từ khâu thông quan.
Tổng cục Hải quan đã yêu cầu hải quan các tỉnh, thành bổ sung mặt hàng sữa nhập khẩu vào danh mục quản lý rủi ro của ngành. Cơ quan hải quan các tỉnh sẽ thực hiện kiểm tra ngay từ khâu thông quan và thực hiện tham vấn, xác định trị giá tính thuế, thu đủ thuế đối với trường hợp trị giá khai báo thấp hơn cơ sở dữ liệu giá. Đồng thời, sẽ chuyển nghi vấn sang khâu kiểm tra sau thông quan đối với trường hợp trị giá khai báo có sự biến động tăng cao trên 15% so với mức gia tại cơ sở dữ liệu giá của hải quan.
Ngoài ra, cơ quan hải quan các tỉnh, thành phố cũng sẽ tiến hành kiểm tra sau thông quan, thu thập thông tin liên quan tới giá sữa, kết hợp với thông tin nghi vấn thực hiện kiểm tra sau thông quan nhằm làm rõ những nghi vấn về giá sữa khai báo bất thường.
Trước mắt, sẽ tập trung kiểm tra sau thông quan đối với các doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi và sữa nước. Việc kiểm tra ngay tại khâu thông quan, theo Cục Thuế xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan, sẽ giúp sớm phát hiện khai báo không đúng, đảm bảo thu đúng, thu đủ số thuế đồng thời ngăn chặn có hiệu quả việc tăng giá bất hợp lý của doanh nghiệp.
Biện pháp siết nhập khẩu ngay từ khâu thông quan được hải quan đưa ra khoảng một tuần nay. Mặc dù ngày 28/3, đại diện một số nhà nhập khẩu sữa như Nestle Việt Nam, 3A... cho biết vẫn chưa tiếp cận thông tin này. Nhưng các nhà nhập khẩu này đều tỏ ra khá vui vẻ khi tiếp nhận thông tin trên.
Đại diện Công ty TNHH Nestle Việt Nam cho biết: “Các sản phẩm nhập khẩu của Nestle Việt Nam đều là sữa thành phẩm, không dính tới nguyên liệu, nên quy định trên của hải quan không đáng ngại”.
(Theo Vneconomy)