• Điện thoại(+84.4) 22 42 01 68 - 36 28 58 33
  • Emailcontact@davincipharma.com

Dịch vụ ăn vặt công sở thời @

    Ăn vặt online dù không thay thế được ẩm thực vỉa hè vốn rất đa dạng của Sài Gòn, nhưng đã chia sẻ được thị phần trong một phân khúc kinh doanh đầy hấp dẫn.

    Ăn vặt dù không thay thế được ẩm thực vỉa hè vốn rất đa dạng của Sài Gòn, nhưng đã chia sẻ được thị phần trong một phân khúc kinh doanh đầy hấp dẫn.

    Muôn vàn sản phẩm từ cao cấp tới bình dân như dịch vụ tài chính cá nhân, thời trang công sở, cơm trưa bình dân, các dịch vụ bán hàng theo nhóm… từ lâu đã quen thuộc với giới văn phòng. Nhưng Sài Gòn còn nổi tiếng với hằng hà những món ăn vặt dân dã thập phương vốn ồn ã sau giờ tan tầm, phân khúc này hiện đang len lỏi tận vào các công sở.

    Các trang web kinh doanh đồ ăn vặt ra đời nhiều năm và sống tốt bất chấp khủng hoảng kinh tế ảnh hưởng đến đời sống tiêu dùng, bất chấp các quán cà phê, quán ăn máy lạnh hay vỉa hè len lỏi khắp các hang cùng ngõ hẻm Sài Gòn. Nhiều loại thức ăn đồ uống cao cấp có mức giá khá cạnh tranh nhưng đồ ăn vặt văn phòng vẫn chiếm ưu thế nhờ tổng hợp được các món ăn dân dã đường phố.

    Thống kê sơ bộ cũng có gần 30 “quán ăn vặt online” tận dụng cơ hội kinh doanh này như anvatsaigon.com, hungrypanda.vn, eat24h.vn, hungry.vn, thegioianvat.com, anvat4h.com…

    Các “quán” này định cư quanh quận 1, quận 3, Bình Thạnh, Phú Nhuận – là cứ địa của đông đảo dân văn phòng. Chỉ cần nhấc điện thoại hoặc click chuột là được giao hàng tận nơi. Một đơn hàng nội thành từ 100.000 đồng, ngoại thành từ 200.000 đồng miễn phí giao hàng.

    Bên cạnh những thức uống phổ thông như cà phê, sinh tố, trái cây, kem…, nhà kinh doanh nào cũng nhắm đến các món ăn đặc trưng vùng miền hoặc phổ biến trên đường phố: bánh tráng trộn, gỏi đu đủ, cá viên chiên, bò bía, bánh cuốn, chuối chiên, bột chiên, cơm cháy chà bông...

    Dịch vụ ăn vặt công sở thời @
    Một "quán" ăn vặt online

    Trước đây giá bán cao hơn giá mua tại chỗ 10 – 20% nhưng ngày càng cạnh tranh hơn và tiệm cận giá các quán cóc vỉa hè. Một ly cà phê sữa đá giá 12.000 đồng, cà phê đá 10.000 đồng; sinh tố, trái cây dầm từ 15.000 – 20.000 đồng; giá phổ biến một phần thức ăn vặt từ 10.000 – 20.000 đồng…

    Cô N.P.L, chủ nhân của “quán” www.anvatsaigon.com, cho biết với kinh nghiệm sử dụng dịch vụ của một người làm văn phòng, cô thấy nhu cầu này quả là lớn và quyết định thử sức kinh doanh. Ngay trong tuần đầu ra mắt dịch vụ hồi đầu tháng 8 này, mỗi ngày nhận được hơn 100 đơn hàng. “Thật sự nằm ngoài mong muốn bởi ban đầu xác định ở quy mô nhỏ, từ từ sẽ kiếm được lượng khách hàng lớn và chọn mức giá phù hợp nhất để có thể cạnh tranh”. Cô cho biết để thu hút khách hàng, ngoài các hướng dẫn trên web, dịch vụ phải cạnh tranh được bằng thời gian giao hàng, nhanh gọn, an toàn vệ sinh thực phẩm.

    Những món ăn hầu như khai thác nhu cầu “ăn hàng” đặc biệt ở giới nữ, sản phẩm được biến tấu hấp dẫn bằng bao bì hợp vệ sinh và bắt mắt. Theo L., yêu cầu chặt chẽ nhất là ở khâu quản lý nguyên liệu, chế biến từ chất lượng đến hình thức, loại bỏ các khâu trung gian làm tăng chi phí mới cạnh tranh được với những nhà kinh doanh qua trung gian “order” (đặt hàng) lấy thức ăn qua các cửa hàng vệ tinh, phần làm tăng chi phí, phần khác không bảo đảm được chất lượng nguồn cung ứng.

    Để thu hút, nhà kinh doanh nào cũng “đánh” vào tâm lý của dân văn phòng, chú trọng quảng cáo về thực phẩm tươi sống được sử dụng trong ngày, có nguồn cung nguyên liệu đầu vào rõ ràng, không mua hàng trôi nổi, không sử dụng bột ngọt hoặc chất điều vị, nhà bếp chế biến sạch sẽ…

    Thử so sánh với một quán cà phê vỉa hè phổ biến gần các văn phòng hiện nay. Bà Nguyễn Thị Dung, một người kinh doanh “quán cóc” nhiều năm trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1, cho biết trung bình một ly cà phê đen hiện 8.000 – 10.000 đồng, cà phê sữa giá cao hơn 2.000 đồng; thức uống như cam, chanh dây từ 10.000 – 20.000 đồng…

    Dù vỉa hè cũng phải chi các khoản phí “vô hình”, xe gắn máy của khách có thể “bị vịn” bất cứ lúc nào, người buôn bán cũng dễ bị phạt “lấn chiếm” lề đường. “Mỗi ngày tôi kiếm lời được trên dưới 200.000 đồng tuỳ mùa vụ. Nếu thời tiết mát mẻ kiếm được chút kha khá chứ thời buổi này khó khăn, dân văn phòng cũng tiết kiệm, thời tiết oi bức thì càng ít khách”, bà Dung cho biết.

    Dù nói vậy, hàng chục năm nay bà Dung vẫn mưu sinh được với quán cóc của mình chỉ với vài chiếc bàn nhỏ, mươi chiếc ghế, “hóng” được các câu chuyện tâm tư của hầu hết khách hàng quen thuộc có thói quen “ngồi đồng” lúc rỗi rảnh.

    (Theo VEF)