• Điện thoại(+84.4) 22 42 01 68 - 36 28 58 33
  • Emailcontact@davincipharma.com

Hỏi: Thuốc trị hen phế quản

    Con tôi hiện 5 tuổi. Khi cháu được 1 tuổi, cháu bị ho, sốt và khó thở, thở rít. Tôi cho cháu đi cấp cứu và được chẩn đoán là hen phế quản. Từ đó đến nay, mỗi khi trở trời, nhất là vào mùa xuân thì cháu rất hay lên cơn hen. Xin cho biết bệnh này có chữa khỏi hoàn toàn được không và chữa như thế nào?

    Con tôi hiện 5 tuổi. Khi cháu được 1 tuổi, cháu bị ho, sốt và khó thở, thở rít. Tôi cho cháu đi cấp cứu và được chẩn đoán là hen phế quản. Từ đó đến nay, mỗi khi trở trời, nhất là vào mùa xuân thì cháu rất hay lên cơn hen. Xin cho biết bệnh này có chữa khỏi hoàn toàn được không và chữa như thế nào?

    Hoàng Mai Phương (Hà Nội)

    Cho đến nay, hen phế quản vẫn là bệnh lý hô hấp phổ biến nhất đối với trẻ em trên toàn thế giới, đặc biệt tỷ lệ gặp rất cao ở các nước phát triển. Hen phế quản là tình trạng viêm mạn tính đường thở có sự tham gia của nhiều loại tế bào viêm và các thành phần của tế bào: chủ yếu là tế bào mast, bạch cầu ái toan, Lympho T, đại thực bào, bạch cầu đa nhân trung tính và các tế bào biểu mô phế quản. Ở những cơ địa nhạy cảm, quá trình viêm này gây khó thở, thở rít, ho, đau tức ngực từng đợt tái diễn thường bị về đêm và sáng sớm. Người bệnh thường bị tắc nghẽn đường thở có thể tự hồi phục hoặc do điều trị. Quá trình viêm hay đi kèm với tăng tính phản ứng phế quản với nhiều tác nhân kích thích khác nhau.

    Để tránh cho trẻ có những cơn hen gây nguy hiểm, bạn nên cho con đi tiêm phòng cúm hằng năm vào mùa thu kết hợp với điều trị dự phòng hoặc cắt cơn hen với các loại thuốc sau:

    - Điều trị dự phòng tốt nhất bằng thuốc nhóm corticoid dạng hít (pulmicort, flixotide) với liều ban đầu dùng liều thấp, sau đó tăng dần. Sau đó, cứ 3 tháng cho con đi khám lại một lần, nếu bệnh được kiểm soát tốt, thầy thuốc chuyên khoa sẽ chỉ định hạ liều dần. Tuy nhiên, khi con bạn đã dùng thuốc hạ liều, bạn phải tuân theo chỉ định của thầy thuốc, nếu không rất có thể hen không được kiểm soát thì con bạn phải dùng thuốc tăng liều lại.

    Khi điều trị 1 năm mà bệnh hen phế quản được kiểm soát hoàn toàn thì có thể ngừng điều trị dự phòng, tránh ngừng thuốc điều trị dự phòng đột ngột  vì triệu chứng của bệnh có thể tái phát nặng.

    - Thuốc nhóm chủ vận bêta 2 tác dụng kéo dài chỉ nên dùng dưới dạng phối hợp với thuốc nhóm corticoid dạng hít  như seretid, symbicort. Dùng  dự phòng trong trường hợp hen phế quản trẻ em đã dùng liều trung bình corticoid dạng hít  không kiểm soát được.

    - Có thể dùng các thuốc nhóm kháng leucotrien ở những bệnh nhi mắc hen phế quản nặng khó kiểm soát khi đã hít liều cao corticoid.

    - Điều trị cắt cơn hen tốt nhất là dùng thuốc nhóm chủ vận bêta 2 tác dụng nhanh. Cha mẹ của bệnh nhi bị hen phế quản cần thường xuyên có thuốc đó dự trữ để dùng cắt cơn hen cho trẻ khi cần. Tuy nhiên, nếu trẻ phải dùng thường xuyên các thuốc cắt cơn này thì phải chú ý tăng liều thuốc dự phòng.

    - Do có nhiều tác dụng phụ do vậy các thuốc nhóm corticoid cần rất hạn chế khi dùng đường toàn thân (uống hoặc tiêm) chỉ dùng trong đợt kịch phát nặng. Thuốc cắt cơn nhóm xanthin không nên dùng cho trẻ em vì nhiều tác dụng phụ.

    (Theo TS. Nguyễn Đình Tiến // Báo Sức khỏe và Đời sống)