• Điện thoại(+84.4) 22 42 01 68 - 36 28 58 33
  • Emailcontact@davincipharma.com

Hỏi: Hen phế quản và dùng thuốc corticoid dạng xịt

    Hen phế quản là sự viêm mạn tính đường hô hấp gây co thắt phế quản và tăng tiết dịch nhày, một trong những bệnh phổ biến nhất trên toàn cầu. Hen phế quản là cơn khó thở có hồi phục, thường xảy ra khá đột ngột với 4 biểu hiện chính: ho, khó thở, thở rít có tiếng khò khè (cò cử)

    Tôi bị bệnh hen, trước đây thường được bệnh viện kê đơn thuốc theophylin và prednisolon. Với tôi bị hen lâu rồi uống theophylin ít hiệu quả, nhưng với prednisolon thì rất hiệu quả. Gần đây, tôi mắc thêm bệnh chảy máu dạ dày (đã điều trị khỏi), có người bảo đó là do uống prednisolon. Hiện nay, tôi không uống thuốc này nữa, nhưng bệnh hen lại xảy ra thường xuyên hơn, cơn kéo dài hơn. Tôi đang dùng thuốc xịt ventolin, astalin tuy cắt cơn hen tốt, nhưng dứt cơn không được lâu, cứ phải xịt luôn. Có người khuyên nên dùng corticoid loại xịt, vậy tôi dùng có được không, có gây chảy máu dạ dày không?

    Kính mong được tư vấn, tôi xin trân trọng cảm ơn!

    Đỗ Đức Thanh (Nam Sách, Hải Dương)

    Hen phế quản (HPQ) là sự viêm mạn tính đường hô hấp gây co thắt phế quản và tăng tiết dịch nhày, một trong những bệnh phổ biến nhất trên toàn cầu. Cơn hen thường xảy ra khi cơ địa dị ứng gặp lại một chất nào đó mà nó xung khắc (gọi là dị nguyên). Dị nguyên có thể là bụi nhà, vảy và lông súc vật, phấn hoa, hóa chất... HPQ là cơn khó thở có hồi phục, thường xảy ra khá đột ngột với 4 biểu hiện chính: ho, khó thở, thở rít có tiếng khò khè (cò cử) và nặng ngực. Sở dĩ như vậy là vì tình trạng dị ứng làm các cơ trơn của các tiểu phế quản bị co thắt lại, niêm mạc các ống phế quản phù ra, tăng tiết nhày. Hậu quả là lòng các tiểu phế quản bị hẹp lại gây một sức cản lớn cho sự thông khí, bệnh nhân bị thiếu ôxy nghiêm trọng.

    Một số thuốc bạn dùng (theophylin, ventolin...) có thể dứt cơn hen, nhưng sớm muộn cũng lại tái phát bởi bệnh HPQ vẫn còn, vì thể tạng của bạn không hề thay đổi. Vì vậy cần phải dùng thuốc dự phòng cơn HPQ - dùng thuốc chống viêm, kết hợp với chống co thắt phế quản một cách lâu dài.

    Những năm gần đây, người ta đã nghiên cứu sản xuất các chế phẩm corticoid dạng xịt hít như fluticason, budesonid, beclomethason... có tác dụng chống viêm và dị ứng tại chỗ. Những thuốc corticoid mới này có hai ưu điểm nổi bật: một là nhờ cấu trúc đặc biệt và phân tử lớn của thuốc cho nên các thuốc này chủ yếu tác dụng tại đường hô hấp, mà không hoặc rất ít thấm vào máu. Hai là thuốc sử dụng ở dạng hít hoặc xịt với liều lượng rất nhỏ (chỉ một vài trăm microgam) dưới dạng các hạt cực nhỏ như sương mù, thấm sâu vào các tiểu phế quản bám lại tại đường thở gây tác dụng tại chỗ giảm tế bào viêm, giảm mức độ quá mẫn, giảm tần suất cơn HPQ. Do những đặc tính ưu việt này cho phép sử dụng thuốc lâu dài, an toàn, hiệu quả cao. Thuốc không có chống chỉ định với người bệnh dạ dày nói riêng và nhiều bệnh khác nói chung (trừ trường hợp bệnh lao phổi).

    Tuy nhiên, để phòng ngừa cơn HPQ được lâu dài, bạn nên dùng thuốc chống viêm (corticoid dạng xịt) phối hợp với thuốc chống co thắt phế quản như salbutamol, hoặc salmeterol thì tốt hơn. Thí dụ ventid (gồm beclomethason và salbumol), seretid (gồm fluticason và salmeterol) chung trong một bình xịt - sự kết hợp "2 trong 1" rất có lợi, thuốc giãn cơ phế quản hoạt hóa thụ thể corticoid làm tăng tác dụng của corticoid trên thụ thể này. Trong khi đó corticoid lại làm tăng tổng hợp bêta 2, nhờ vậy mà làm tăng tác dụng của thuốc chống co thắt phế quản. Như vậy sự kết hợp này có hiệu quả kép, vừa tăng tác dụng càng nhiều, vừa hoạt hóa lẫn nhau, điều trị HPQ có hiệu quả cao.

    (Theo BS. Vũ Hướng Văn // Báo Sức khỏe và Đời sống)