• Điện thoại(+84.4) 22 42 01 68 - 36 28 58 33
  • Emailcontact@davincipharma.com

Nhược điểm của thuốc trị rối loạn mỡ máu

    Ngày nay, nhóm từ “mỡ máu”, “tăng cholesterol máu”, “tăng triglyceride máu” không còn là xa lạ. Tên gọi đúng là “rối loạn lipid máu” để chỉ đến 4 thành phần lipid máu bị rối loạn, đó là.

    Ngày nay, nhóm từ “mỡ máu”, “tăng cholesterol máu”, “tăng triglyceride máu” không còn là xa lạ. Tên gọi đúng là “rối loạn lipid máu” để chỉ đến 4 thành phần lipid máu bị rối loạn, đó là: cholesterol toàn phần, LDL-cholesterol, HDL-cholesterol và triglycerid. Có 5 nhóm thuốc chủ yếu để điều trị rối loạn lipid máu, trong đó có nhóm statin rất thông dụng với người bệnh. Bài viết này chúng tôi đề cập đến nhược điểm của nhóm thuốc trị rối loạn mỡ máu statin.

    Nhóm statin có tác dụng ức chế men HMG-CoA reductase làm giảm tổng hợp LDL-cholesterol từ 25 - 45% tùy theo từng thuốc và liều lượng. Tác dụng hạ triglyceride kém hơn nhóm fibrates nên được lựa chọn ưu tiên trong những trường hợp tăng cholesterol máu. Có các thuốc trong nhóm statin như sau: atorvastatin, fluvastatin, lovastatin, pravastatin, rosuvastatin và simvastatin. Qua thời gian sử dụng trên lâm sàng, người ta thấy nhóm statin có những  nhược điểm cần lưu ý đặc biệt khi sử dụng.

    Lớp mỡ đọng lại ở thành động mạch gây hẹp dòng máu lưu thông .

    Gây tiêu cơ vân

    Thuốc gây tổn thương và tiêu cơ vân, làm giải phóng các chất bên trong tế bào, trong đó có chất myoglobin, làm tắc ống thận khiến suy thận cấp, gây tử  vong. Chú ý đến yếu tố thuận lợi làm xuất hiện, tăng nặng là: người vốn có bệnh viêm cơ lan tỏa, hạ huyết áp, nhiễm khuẩn nặng, có các tổn thương lớn, có bất thường về chuyển hóa, đặc biệt khi phối hợp với thuốc hạ lipid máu nhóm fibrate (tần suất và mức độ tiêu cơ vân tăng). Vì vậy không nên dùng hoặc rất thận trọng khi dùng với thuốc nhóm fibrate.

    Mức độ gây tiêu cơ vân khác nhau ở mỗi statin: rất nặng với cerivastatin (đã bị rút khỏi thị trường), trung bình với rosuvastatin (Hội Tiêu dùng Mỹ khiếu nại nhưng FDA chưa có ý kiến), hiếm với simvastatin. Nói chung, các statin ở liều điều trị ít khi gây tai biến này nên vẫn dùng theo liều khung quy ước.

    Cần phải tạm ngưng hoặc ngưng hẳn thuốc khi có triệu chứng đau cơ nặng, tiêu cơ vân (có myoglobin trong nước tiểu, dù có hay chưa có suy thận cấp) hoặc có yếu tố nguy cơ dẫn đến tiêu cơ vân như chấn thương, hạ huyết áp, nhiễm khuẩn cấp, rối loạn chuyển hóa nghiêm trọng, rối loạn nội tiết, rối loạn điện giải như trong tiêu chảy cấp hay động kinh chưa khống chế được.

    Rosuvastatin cũng được nghiên cứu lại. Nếu dùng cùng liều thì nồng độ rosuvastatin trong máu ở người da đen, người châu Á cao gấp 2 lần người da trắng châu Mỹ. FDA chưa có chứng cứ để xem rosuvastatin độc hơn các statin khác, song các cơ quan quản lý thuốc tại nhiều nước cũng như hãng sản xuất đều đề cập đến các tác dụng phụ, điều chỉnh liều dùng nhằm đảm bảo an toàn.

    Tăng đột quỵ

    Theo nghiên cứu SEARCH, dùng atorvastatin 80mg/ngày cho người bệnh không bị động mạch vành tim nhưng có đột quỵ hay cơn thiếu máu thoáng qua 6 tháng trước đó có liên quan tới việc tăng đột quỵ xuất huyết so với nhóm chứng không dùng thuốc (2,3% so với 1,4%).

    Tăng men gan

    Thuốc không tích lũy ở gan, không gây độc cho gan. Tuy nhiên, trên thực tế có một số bệnh nhân bị tăng men gan. Sau khi ngưng dùng thuốc, men gan sẽ trở về bình thường nhưng cũng có trường hợp men gan không trở về bình thường. Vì vậy cần  kiểm tra men gan trước khi điều trị, trong vòng 12 tuần sau khi điều trị hay sau khi tăng liều, sau đó kiểm tra định kỳ mỗi 4 tuần/lần trong suốt thời gian dùng thuốc. Nếu thấy men gan tăng bất thường, cần theo dõi chặt chẽ. Cần ngừng hẳn thuốc nếu thấy men gan tăng gấp 3 lần bình thường. Thận trọng ở người nghiện rượu, viêm gan, tắc mật.

    Tổn thương gân gót

    Một số hồi cứu mới đây của Pháp trên 4.597 người dùng statin cho thấy có khoảng 1,32% bị tổn thương gân gót, nhưng chỉ xảy ra khi dùng lâu dài nên không vì điều này mà tự ý ngưng thuốc.

    Một số tác dụng phụ khác

    Đã có khuyến cáo toàn bộ nhóm thuốc statin có nguy cơ gây mất trí nhớ, nhầm lẫn, tăng đường huyết, đái tháo đường typ 2. FDA yêu cầu các hãng sản xuất statin phải ghi cảnh báo này lên nhãn và ghi khuyến cáo nếu người bệnh cảm thấy mệt mỏi, ăn không ngon, tiểu vàng, đau bụng, vàng da, thì phải thông báo cho bác sĩ điều trị biết ngay. Ngoài ra, FDA cũng khuyến cáo người đang dùng lovastatin không nên dùng thêm các loại thuốc trị nhiễm khuẩn, nhiễm nấm vì có thể tổn thương cơ vân.

    Lời khuyên của thầy thuốc

    Khi dùng statin đơn, chỉ được dùng trong khung liều quy định. Khi dùng statin phối hợp với các thuốc ức chế cytochrom P-450 hay fibrate phải dùng ở liều thấp hơn nhiều. Cần thăm dò liều để dùng ở liều tối thiểu có hiệu lực và an toàn.

    Các thuốc điều trị rối loạn lipid máu thường được cơ thể dung nạp tốt, nhưng cũng có những tác dụng phụ không mong muốn như trên và còn phụ thuộc vào cơ địa mẫn cảm của từng người bệnh. Do đó trong thời gian dùng thuốc, bệnh nhân cần tự theo dõi các phản ứng phụ để thông báo cho bác sĩ điều trị biết. Mặt khác cũng cần thông báo cho thầy thuốc biết các loại bệnh kết hợp nếu có và thuốc đang dùng để tránh hiện tượng tương tác thuốc.

    Để đảm bảo điều trị có kết quả tốt, cần dùng thuốc dài ngày, thường xuyên liên tục và xét nghiệm kiểm tra lipid máu định kỳ để đánh giá hiệu quả của thuốc điều trị. Bác sĩ thường chỉ định xét nghiệm nồng độ cholesterol và các thành phần liên quan khác sau 4 - 6 tháng dùng thuốc để nếu cần thì điều chỉnh hàm lượng hoặc thay đổi thuốc nhằm mục đích đạt hiệu quả điều trị tối ưu.

    Theo SKDS