• Điện thoại(+84.4) 22 42 01 68 - 36 28 58 33
  • Emailcontact@davincipharma.com

Cách đơn giản phòng trị đau vai gáy

    Hội chứng đau vai gáy là một dạng rối loạn thần kinh cơ gây ra bởi sự co cứng cục bộ, đột ngột. Đây là nhóm bệnh có liên quan chặt chẽ đến hệ thống cơ xương khớp và mạch máu vùng vai và gáy. rất dễ xảy ra với những người làm công việc ngồi hoặc đứng lâu như: thợ cấy, thợ may, đan lát, dệt vải... 

    Hội chứng đau vai gáy là một dạng rối loạn thần kinh cơ gây ra bởi sự co cứng cục bộ, đột ngột. Đây là nhóm bệnh có liên quan chặt chẽ đến hệ thống cơ xương khớp và mạch máu vùng vai và gáy. rất dễ xảy ra với những người làm công việc ngồi hoặc đứng lâu như: thợ cấy, thợ may, đan lát, dệt vải... Bệnh cũng có thể do nhiễm lạnh đột ngột, gây thiếu máu cục bộ ở các cơ dẫn đến đau nên thời tiết thay đổi cũng khiến mắc bệnh nhiều hơn.

    Vì sao dễ mắc đau vai gáy?

    Có rất nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng đau vai, gáy. Các nguyên nhân thông thường nhất có thể kể đến như ngồi làm việc sai tư thế trong thời gian dài,  sai tư thế khi lái xe, ngủ tựa đầu lên ghế, nằm xem tivi, hay công việc cúi gập cổ ( thợ cấy, thợ sơn nhà, dệt vải,…) hoặc do mang vác nặng sai tư thế,... Người hay nằm nghiêng, gối đầu cao, khi cơ thể yếu mệt, tốc độ hoạt động của hệ tuần hoàn giảm, việc lưu thông máu và trao đổi ôxy trong cơ thể giảm cũng sẽ dễ bị đau nhức khi ngủ dậy.

    Về mùa hè nóng bức ngồi trước quạt, máy lạnh (máy điều hoà) lâu, dầm mưa dãi nắng lâu, ra ngoài trời không đội mũ, nón để ánh nắng mặt trời chiếu thẳng vào vùng gáy, tắm rửa ban đêm,... làm giảm sự cung cấp oxy cho các tế bào cơ, gây thiếu máu cục bộ ở các cơ dẫn đến hội chứng đau vai gáy.

    Một số bệnh lý cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến hội chứng đau vai gáy như: thoái hóa cột sống cổ, thoát vị đĩa đệm cột sống cổ, vẹo cổ bẩm sinh, dị tật, viêm, chấn thương vùng cổ. Đôi khi có những trường hợp hội chứng đau vai gáy xuất hiện tự phát mà không có nguyên nhân rõ rệt. Bệnh hay gặp ở tuổi trung niên trở đi, do hệ mạch máu đã giảm tính dẻo dai, đàn hồi nên hay mắc chứng đau cổ, vai, gáy nhất.

    Không tự ý điều trị

    Người mắc bệnh đau cổ vai gáy thường có những biểu hiện đau mỏi vùng cổ vai gáy lan xuống tay và tê mỏi tay. Đau có thể lan lên mang tai, thái dương hoặc lan xuống vai, cánh tay. Nhưng khác với bệnh viêm quanh khớp vai, người bệnh bị đau vai gáy không bị hạn chế vận động khớp. Một số trường hợp có thể kèm theo co cứng cơ, tê ở cánh tay, cẳng tay, bàn ngón tay hoặc nặng hơn là yếu liệt cơ, teo cơ. Có thể có các điểm đau khi ấn vào các gai sau và cạnh cột sống cổ kèm hạn chế vận động cột sống cổ. Đau có thể xuất hiện tự phát hoặc sau khi lao động nặng, mệt mỏi, căng thẳng, nhiễm lạnh. Đau có thể cấp tính (xuất hiện đột ngột) hoặc mạn tính (âm ỉ, kéo dài). Đau thường có tính chất cơ học: tăng khi đứng, đi, ngồi lâu, ho, hắt hơi, vận động cột sống cổ; giảm khi nghỉ ngơi. Đau cũng có thể tăng khi thời tiết thay đổi.

    Do đó mà một số người bệnh khi bị đau đầu chóng mặt thường nghĩ là do bị cảm, gió lạnh và tự ý mua thuốc để điều trị. Một số trường hợp lạm dụng dùng thuốc corticoid để giảm đau nhanh chóng, ban đầu người bệnh cảm thấy hết đau, nhưng hết thuốc thì cơn đau trở lại dẫn đến người bệnh lệ thuộc vào thuốc. Trên thực tế nhiều bệnh nhân đau mỏi vùng vai gáy kéo dài, hay tái phát đôi khi đau đầu, chóng mặt, mờ mắt đã tự mua thuốc hoạt huyết dưỡng não để uống đến khi đến khi chụp phim, làm xét nghiệm, phát hiện và điều trị theo hướng đau cổ vai gáy người bệnh mới đỡ đau. Chính vì vậy, khi có những dấu hiệu như đau đầu chóng mặt, đau mỏi vùng cổ vai, đau tê tay cánh tay lan ra cẳng tay bàn tay cần đến bệnh viện kiểm tra.

    Không bẻ, lắc cổ kêu răng rắc bởi nếu đĩa đệm đã bị thoái hóa gây mỏi cổ, khi bẻ hoặc vặn sẽ tạo đà cho đĩa đệm thoát vị ra ngoài và làm bệnh thêm trầm trọng.

    Về điều trị

    Để chẩn đoán nguyên nhân, người bệnh cần được thăm khám lâm sàng. Các phương tiện hỗ trợ chẩn đoán bao gồm chụp X-quang cột sống cổ, đo điện cơ và chụp cộng hưởng từ (MRI) cột sống cổ.

    Người bị hội chứng đau nhức cổ, vai, gáy khi đi khám nếu bác sĩ chuyên khoa thấy không có nguyên nhân chèn ép gây tổn thương thì người bệnh sẽ được chỉ định dùng thuốc giảm đau, cao dán,... hoặc dùng vật lý trị liệu, xoa bóp, ấn huyệt, châm cứu,.... tại các bệnh viện, phòng khám y học cổ truyền sẽ mang lại hiệu quả tốt.

    Nếu chỉ bị nhẹ, cơn đau không kéo dài, bản thân người bệnh có thể tự điều trị bớt đau bằng cách dùng hai bàn tay xoa bóp, gõ, vuốt cho vùng cổ, vai, gáy nhiều lần có thể giảm đau.

    Các thuốc thường dùng trong điều trị hội chứng đau vai gáy bao gồm thuốc giảm đau chống viêm, phong bế thần kinh, giãn cơ và vitamin nhóm B. Ngoài ra, các phương pháp vật lý trị liệu như nhiệt trị liệu, điện xung, sóng ngắn, siêu âm trị liệu, kéo dãn cột sống cổ, xoa bóp bấm huyệt, tập vận động cột sống cổ cũng giúp ích rất nhiều cho việc điều trị. Tuy nhiên, người bệnh cũng cần phải nhớ rằng không được xoa bóp bấm huyệt hoặc tập vận động trong giai đoạn cấp tính. Một số trường hợp người bệnh cần được điều trị bằng phẫu thuật: thoát vị đĩa đệm, trượt đốt sống, vẹo cột sống...

    Phòng ngừa đau vai gáy

    Để phòng ngừa đau vai gáy, những người có nguy cơ cao như: tuổi trung niên, người lao động ở tư thế cúi gập, khuân vác,.. bằng cách khi ngồi hay đứng đều phải đúng tư thế. Cần chú ý không làm việc ở tư thế quá lâu, đặc biệt với máy vi tính, cứ mỗi 30 phút nên dừng lại để thực hiện các động tác vận động cột sống cổ, vai và tay. Cần giữ cổ luôn thẳng, không cúi gập cổ quá lâu. Không nằm gối đầu cao dễ làm sai tư thế của cột sống cổ, khi ngủ chỉ gối đầu cao khoảng 10cm. Khi xem tivi nên tựa lưng vào đệm, đầu hơi ngửa ra sau thành ghế, cổ tựa vào một điểm phù hợp với độ cong sinh lý của cổ. Khi bị đau vai, gáy nên nghỉ ngơi, hạn chế vận động ít ngày, bổ sung một số khoáng chất cho cơ thể như canxi, kali và các vitamin C, B, E, xoa bóp giúp giãn cơ chỗ đau, tăng cường máu đến cơ bắp.

    Ngoài ra người bệnh nên thường xuyên luyện tập thể dục thể thao với các bài tập phù hợp; Vận động, nghỉ ngơi, giải lao giữa giờ làm việc, nên giải lao khi phải ngồi kéo dài, cứ 45-60 phút giải lao một lần; Tránh căng thẳng; Luyện tập các động tác dưỡng sinh như ưỡn cổ, cúi đầu về phía trước, ngửa đầu ra phía sau, nghiêng đầu sang trái, sang phải, xoay tròn đầu và cổ, cử động cổ lên xuống... thường xuyên sẽ phòng được bệnh.

    Theo SKDS