• Điện thoại(+84.4) 22 42 01 68 - 36 28 58 33
  • Emailcontact@davincipharma.com

Danh y Nguyễn Gia Phan

Còn gọi là Nguyễn Thế Lịch, hiệu Dưỡng Hiên. Quê ở xã An Khánh (huyện Từ Liêm – Hà Nội ngày nay). Năm 16 tuổi đậu Hương cống, năm 27 tuổi đậu tiến sĩ, làm quan đến chức Tham tri chính sự kiêm Bồi tụng và Binh bộ hữu thị lang đời Lê Chiêu Thống. Được triều đình Tây Sơn giao cho việc chỉ huy phòng chống dịch. Tác phẩm của ông có: ‘Lý Âm Phương Pháp Thông Lục’, ‘Liệu Dịch Phương Pháp Toàn Thư, ‘Hộ Nhi Phương Pháp Tổng Lực’, ‘Tiểu Nhi Khoa’ trị bệnh cho trẻ nhỏ, ‘Thai Sản Điều Lý Phương Pháp’.

Danh y Nguyễn Quý

Quê xã Xuân Dục, tỉnh Hải Dương (nay thuộc tỉnh Hưng Yên). Nguyên là Giám sinh, được bổ làm tri huyện Tiên Minh, sau đó được thăng làm Tham Nghị xứ Yên Quảng, học được y thuật chính truyền, trị bệnh rất giỏi, xem mạch rất tinh tường. Tính tình vui vẻ, năm 70 tuổi vẫn khỏe mạnh. Về tai trị bệnh của ông, được Phạm Đình Hổ thuật lại trong ‘Vũ Trung Tùy Bút’ như sau: “Anh trai ta là Phạm Tôn Kiện, có vợ bị chứng sản hậu đau bụng có hòn cục, cụ Nguyễn Quý bảo sắc Toàn Đương quy 1 lạng, mai thêm 3 chỉ Nhục quế, uống vào khỏi bệnh ngay.

Danh y Nguyễn Thế Chuẩn

Hiệu Đức Khê, thụy Thanh Trai. Người làng My Khê, huyện Bình Giang tỉnh Hải Dương. Là học trò của Phạm Đình Hổ, đi thi nhiều lần nhưng không đậu nên chuyển sang làm nghề thuốc. Ông nổi tiếng là danh y ở phố Hàng Bún Hà Nội. Nhờ trị khỏi bệnh lở loét chân cho vợ Tổng đốc Hà Nội lúc đó là Nguyễn Hữu Tâm, vì vậy được xây dựng sinh từ ở phố Hàng Bún để tạ ơn. Ông được tiến cử và bổ nhiệm làm Thái y viện phó ngự y nhưng ông lấy lý do còn mẹ gia để từ chối. Ông có để lại một tập thơ chữ Hán và một quyển sách xem mạch và nhiều bài thuốc gia truyền.

Danh y Nguyễn Tĩnh

Tự Hành Đạo, hiệu Nông Hà. Người làng Gia miêu, huyện Tống Sơn (nay là huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa). Năm 1854 được bổ nhiệm làm Hàn lâm trước tác, giữ chức tri huyện Thọ Xương, sau được thăng làm tổng đốc Thanh Hóa. Ông có lập ra nhà chữa thuốc cho dân và nghiên cứu y học. Tác phẩm y học của ông có Tế Nhân Dược Hiệu.

Danh y Nguyễn Văn Khoan

Sống vào đời Duy Tân (1907-1916) và đời Khải Định (1917-1925). Quê làng Thạch Cầu, phủ Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh, giỏi về ngoại khoa, thường được gọi là ông lang Thạch Cầu.

Danh y Nguyễn Trực

Tự là Công Dĩnh, hiệu Hu Liêu. Quê ở xã Bối Khê, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Sơn Bình ngày nay.  Năm 18 tuổi ông thi đậu Hương tiến, năn 1442 đậu Trạng Nguyên. Năm 1443-1453 đời Lê Nhân Tôn giữ chức Hàn lâm viện thị giảng kiêm Quốc tử giám tế tửu và được cử đi sứ trung Quốc. Ông mất năm  1473, đời Lê Thánh Tông, thọ 56 tuổi.Tác phẩm của ông có ‘Bảo Anh Lương Phương’ trị bệnh trẻ nhỏ bằng thuốc, châm cứu, xoa bóp.

Danh y Nguyễn Xuân Dương

Hiệu Dưỡng Nguyên. Quê làng Cống Thủy, phủ Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình. Sách y học có: Khoa Chữa mắt (Hà Nội 1939), Sách Thuốc Việt Nam (Hà Nội (1932, 1934, 1935, 1936), Vấn Đề Nghiên Cứu Thuốc Ta (Hà Nội 1935), Khoa Chữa Phổi Và Bệnh Lao (Hà Nội 1940).

Danh y Phạm Văn Bảng

Sống vào đời Duy Tân (1906 – 1916). Quê xã Nhuận Ốc, phủ  Yên Khánh tỉnh Ninh Bình, giỏi về y thuật, được phong chức Điều hộ. Ông xem mạch rất giỏi. Tương truyền mẹ của tri phủ Yên Khánh bị bệnh đã lâu, các thầy thuốc trong vùng đều cho là sắp chết. Lúc mời ông đến xem mạch, ông nói là không việc gì, bốc cho một thang thuốc uống xong thì khỏi bệnh. Một người bạn thân của ông ở xã Duyên Mậu, phủ Yên Khánh, tinh Ninh Bình mời ông sang ăn gỏi cá, nhờ ông xem mạch thử, ông xem mạch và cho biết nội trong năm sẽ mắc bệnh nặng mà chết. Sau đó đúng như vậy.

Danh y Vũ Bình Phủ

Sống vào đời nhà Nguyễn (đầu thế kỷ XX). Biệt hiệu là Nam Dương Đình. Đã biên soạn quyển ‘Y Thư Lược Sao’ bàn nhiều về trị bệnh bằng châm cứu. Năm Thành Thái thứ 14 (1902) sách được in lại. Đây là quyển sách thứ hai về châm cứu ở Việt Nam.

Danh y Phan Phu Tiên

Tự Tín Thần, hiệu Mặc Hiên. Người xã Đông  Ngạc, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông. Đậu Thái học sinh (Tiến sĩ) khoa Bính Tý (1306), năm 1429 lại đậu thêm khoa Minh kinh, giữ chức Tri quốc sử viện, sau giữ chức Quốc tử Bác sĩ tại Quốc tử giám. Năm 1420 ông soạn quyển Bản Thảo Thực Vật Toản Yếu.