• Điện thoại(+84.4) 22 42 01 68 - 36 28 58 33
  • Emailcontact@davincipharma.com

Phòng khám đông y không lấy tiền của người bệnh

    Gần một năm nay, Phòng chẩn trị y học cổ truyền Nhân Ái của lương y Lê Quý Ngưu (TP Huế) đã trở thành địa chỉ “vàng” của những bệnh nhân nghèo tại Thừa Thiên - Huế bởi đến đây họ được khám chữa hoàn toàn miễn phí. 

    Gần một năm nay, Phòng chẩn trị y học cổ truyền Nhân Ái của lương y Lê Quý Ngưu (TP Huế) đã trở thành địa chỉ “vàng” của những bệnh nhân nghèo tại Thừa Thiên - Huế bởi đến đây họ được khám chữa hoàn toàn miễn phí.

    Lương y Lê Quý Ngưu đang thăm khám cho người bệnh. Ảnh: Nguyễn Đông.
    Lương y Lê Quý Ngưu đang thăm khám cho người bệnh.

    7 giờ sáng, Phòng chuẩn trị y học cổ truyền Nhân Ái (khu quy hoạch Thủy An – Phường An Đông – thành phố Huế), nằm lọt giữa những tòa nhà cao tầng và hiện đại của khu đô thị An Cựu City đã chật kín bệnh nhân nghèo đến xếp hàng.

    Nằm trên giường bệnh, bà Lê Thị Năm (68 tuổi, trú tại thôn Lang Xá Cồn, xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy), cho biết bà bị bệnh thái hóa xương đùi, nhà nghèo không có tiền đi điều trị ở bệnh viện. Hay tin có phòng khám Nhân Ái nên bà nhờ con cái chở đến. Sau hai tuần điều trị, bà đã có thể đi lại bình thường.

    “Cũng may có phòng khám Nhân Ái điều trị miễn phí chứ thân già bệnh tật này cũng không biết nhờ cậy vào ai”, bà Năm tâm sự.

    Còn bà Thân Thị Phương (53 tuổi, trú tại đường Đặng Văn Ngữ, TP Huế), bị điếc do ảnh hưởng của bệnh viêm màng não đến điều trị tại phòng khám, xúc động nói: “Ngày trước tôi không nghe thấy gì, từ ngày đến đây, được các lương y tận tình chữa trị, nay đã có thể nghe được”.

    Phòng khám mở cửa vào buổi sáng các ngày trong tuần (trừ chủ nhật) với 6 lương y chuyên về y học cổ truyền làm việc. Tùy theo bệnh, mức độ nặng nhẹ mà bệnh nhân được điều trị khác nhau, thông thường mỗi người được thực hiện liệu pháp châm cứu trong vòng 10 ngày. Sau đó nếu chưa khỏi hẳn thì có thể xin được điều trị lần hai nhưng không mất thêm một đồng tiền phí nào, dù có cả bốc thuốc. Phòng khám cũng trích ra một phần sữa hộp để bồi dưỡng cho những bệnh nhân có sổ hộ nghèo.

    "Phòng khám mở ra với mục đích chữa bệnh cho những bệnh nhân nghèo, không có bảo hiểm y tế, không có khả năng đi chữa bệnh. Lấy tên Nhân Ái là tôi muốn phòng khám của mình thực sự nhân ái 100% nên mọi kinh phí hoạt động đều được miễn phí, người bệnh không phải chi trả bất cứ một khoản nào”, lương y Lê Quý Ngưu, người lập ra phòng khám chia sẻ.

    Ảnh:
    Lương y Lê Quý Ngưu, người lập ra phòng khám Nhân Ái. Ảnh: Nguyễn Đông.

    Lương y Ngưu cũng cho biết, việc lập phòng khám là tâm nguyện của ông và vợ từ khi theo nghề thầy thuốc. Để có đủ kinh phí xây căn nhà và mua sắm trang thiết bị hành nghề tại đây, ông bà đã phải dành dụm gần nửa đời mình, lấy lợi nhuận từ một phòng khám đông y khác của gia đình để “nuôi” phòng khám Nhân Ái.

    Với khoản lương nhỏ bé 2 triệu mỗi tháng, nhưng các lương y tại cơ sở Nhân Ái đều đồng lòng trích lại một nửa để giúp mua thuốc men điều trị cho bệnh nhân.

    Anh Nguyễn Nam Trung, một lương y tại đây, chia sẻ: “Công sức mở ra phòng khám của bác Ngưu là lớn lắm rồi, chúng tôi đến đây làm việc vừa để nâng cao tay nghề, vừa mong góp một phần công sức giúp đỡ người nghèo”.

    Mỗi năm ba lần, lương y Lê Quý Ngưu lại cùng các đồng nghiệp đi khám bệnh, bốc thuốc cho đồng bào dân tộc thiểu số tại hai huyện miền núi trong tỉnh là Nam Đông và A Lưới.

    Kỷ niệm mà ông và các đồng nghiệp nhớ nhất là nhiều lần người bệnh đến điều trị, khi lành bệnh có mang quà là những củ khoai, nải chuối trong vườn nhà đến cảm ơn. “Lúc đó tôi và mọi người chỉ biết nhìn nhau cười. Không phải mình xem thường những món quà của họ mà là thấy những người nghèo họ sống thật thà quá!”, lương y Ngưu bộc bạch.

    Vẫn còn trăn trở với dự định mới, ông Ngưu cho biết: “Nếu có thêm kinh phí tài trợ của các nhà hảo tâm và các tổ chức xã hội, tôi sẽ mở thêm một phòng xoa bóp bấm huyệt và phòng vật lý trị liệu để phục vụ tốt hơn công tác khám chữa bệnh miễn phí cho bà con”.

    (Theo Nguyễn Đông // VnExpress)